Đóng góp Hồ Nguyên Trừng

Khi sống cuộc đời lưu vong ở Trung Quốc, Hồ Nguyên Trừng đã soạn ra cuốn Nam Ông mộng lục (Chép lại những giấc mộng của Nam Ông) gồm 31 thiên, nhưng hiện chỉ còn 28 thiên. Đây là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về "người thực, việc thực" trong văn xuôi tự sự Việt Nam[26].

Bên cạnh đó, ông còn là nhà kỹ thuật quân sự tài ba. Theo sử liệu, khi còn ở trong nước, do nhu cầu quân sự, ông đã sáng chế và chỉ đạo chế tác súng thần cơ (hỏa thương cải tiến) và thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng)[27] Cho nên sau này ông được vua Minh thu dụng để lo việc chế tạo súng[28].

Ngoài ra, ông còn là người lo việc đắp những con đê lớn, đào một số kênh và vét lại một số con sông nhằm phục vụ các hoạt động về giao thông, thủy lợi và quân sự. Đặc biệt, những công trình kiến trúc ở thời nhà Hồ, chẳng hạn như thành Tây Đô đồ sộ,… đều do ông chỉ huy xây dựng[29].

Tên Hồ Nguyên Trừng đã được đặt cho một con đường ở thị trấn Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế)[30] và ở hai quận Hải Châu, Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng).